01/18/2025 17:13:34
Sạt lở đất là gì?
Sạt lở đất là hiện tượng địa chất có tính nguy hiểm cao. Hiện tượng này xảy ra khi có một khối đá hoặc một tầng đất hoặc những khối mảnh vụn của đất đá rời rạc trượt xuống một triền núi hoặc đồi, thậm chí một địa tầng.
Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ đâu từ thành phố, thị trấn tới các khu đồi núi cao. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có các hoạt động điều tra địa chất, quan trắc thực địa định kỳ để dự đoán các nguy cơ sạt lở đất tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.
Những nguyên nhân nào dẫn đến sạt lở?
Sạt lở đất bắt nguồn từ những tác động của ngoại lực vào khối đất đá trên mái dốc, đỉnh đồi làm đất đá vỡ ra và lăn xuống với vận tốc lớn. Ngoại lực này thường đến từ những cơn mưa lớn, tuyết tan, động đất hay vỡ đập thủy điện. Lượng nước lớn đổ xuống khu vực sẽ làm phân rã các mối liên kết của đất đá và rễ cây, thảm thực vật gây ra sạt lở đất.
Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Các công trình dân sinh dưới chân núi ảnh hưởng tới địa tầng. Kết hợp cùng các cơn bão dữ dội, tình trạng sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, sạt lở đất thường xảy ra dựa trên 3 yếu tố chính: địa chất; hình thái, cấu trúc đất và hoạt động của con người trên khu vực đó.
Sạt lở đất mang theo đất đá trượt xuống sườn đồi. Vì vậy, yếu tố đầu tiên cần khảo sát là địa chất khu vực. Tại vùng có địa hình yếu, bị đứt gãy thường dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết gây nên sạt lở đất.
Một khu vực sẽ có các tầng địa chất khác nhau. Cấu trúc đất đá, thảm thực vật của vùng đó quyết định hiện trạng, hình thái khu vực. Ví dụ vùng rừng nguyên sinh sẽ có thảm thực vật và cây cổ thụ lớn giúp giữ cấu trúc đất tốt hơn trong các trường hợp mưa lớn hay động đất cường độ nhỏ, ảnh hưởng tới địa tầng.
Hoạt động của con người ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống. Việc phát triển nông nghiệp bừa bãi, không theo quy hoạch hay nạn phá rừng sẽ tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, các công trình công nghiệp, dân dụng trên triền núi, triền dốc trực tiếp làm suy yếu cấu trúc đất, dễ dẫn tới sạt lở trong tương lai.
Chính vì vậy, trước khi xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước hay phát triển nông nghiệp, con người cần có những tính toán cụ thể để đảm bảo an toàn và tính mạng cho người và của.